TƯỚNG TRẦN VĂN GIANG - NGƯỜI CON CỦA QUÊ HƯƠNG VĨNH BẢO ANH HÙNG!
TƯỚNG TRẦN VĂN GIANG - NGƯỜI CON CỦA QUÊ HƯƠNG VĨNH BẢO ANH HÙNG!
Một lần trò chuyện, có nhà báo hỏi: “Anh ơi, nói về vùng đất Vĩnh Bảo là nói về “đất học, đất quan”, đất
của những võ tướng có được không anh?”. Đất học đất quan thì đã rõ, sử sách và Nhân dân biết bao thế hệ lưu truyền!. Nhưng vùng đất của những võ tướng có được không? tôi trả lời được quá đi chứ nhà báo ạ!. Trong lịch sử, Vĩnh Bảo có Phạm Đàm - vị tướng trong nghĩa quân của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà Hán; An Trấn - một danh tướng theo Lý Thường Kiệt đánh tan Cuộc xâm lược của nhà Tống. Đô đốc quận công Hoa Duy Thành trong Cuộc khánh chiến chống quân Nguyên Mông; Đại nguyên soái Lương Toàn... và ngày nay, trong cuộc trường chinh kháng chiến, kiến quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ, người con Vĩnh Bảo đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn, trong đó có nhiều vị tướng... dần dần sẽ giới thiệu cho nhà báo!
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021), xin giới thiệu về Tướng Trần Văn Giang, người con của quê hương Vĩnh Bảo anh hùng!
Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang sinh ngày 07 tháng 02 năm 1924 tại làng Sưa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Từ nhỏ, ông đã tỏ rõ là người thông minh, ham học hỏi, giàu lòng thương người và có tinh thần cách mạng sâu sắc.
Tháng 01 năm 1945, Chàng trai Trần Văn Giang tham gia hoạt động Việt Minh bí mật vùng Ninh Giang, Hải Dương, sau đó là cán bộ Việt Minh thành phố Hải Phòng. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ Chi đội trưởng kiêm Chính trị viên Chi đội Bắc Bắc đến Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn... và sau này phát triển lên giữ các cương vị: Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, Hải Phòng... Chính ủy Quân chủng Hải quân.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954. Ở cương vị Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn pháo cao sạ 367, Trần Văn Giang cùng với chỉ huy đơn vị làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức, quán triệt và thực hiện phương châm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đơn vị đưa pháo vào rồi lại vất vả kéo pháo ra. Khi chính thức nổ súng, Trung đoàn 367 đã tạo ra “lưới lửa Điện Biên Phủ”, bắn rơi nhiều máy bay và cắt đứt "cầu hàng không" của quân đội Pháp lên Điện Biên Phủ. Quân dân ta đã làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị: Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hải Phòng và đặc biệt trong thời kỳ “12 ngày đêm” cuối năm 1972 ở cương vị Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361 (Sư đoàn “Cận Vệ Đỏ”), bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội, Trần Văn Giang đã đi đến từng trận địa pháo cao xạ, kiểm tra, động viên bộ đội. Tác phong gần gũi, sâu sát, tỷ mỉ cẩn trọng của ông đã góp phần cùng lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, địa phương bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, tạo nên một “Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ký Hiệp định Paris năm 1973.
Trần Văn Giang là một trong số ít cán bộ trực tiếp chỉ huy 2 trận Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc. Tháng 7/1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm cho Trần Văn Giang làm Chính ủy quân chủng Hải quân, chuẩn bị lực lượng giải phóng Trường Sa và các đảo của Việt Nam trên vùng vịnh Thái Lan. Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: giải phóng và bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành.
Trần Văn Giang được thụ phong quân hàm thiếu tướng năm 1980.
Trong công việc, Thiếu tướng Trần Văn Giang là cán bộ mưu trí, dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, sâu sát, cụ thể, tỷ mỉ trong lãnh đạo, chỉ huy. Trong đời thường, Ông là một người giản dị, mẫu mực, khiêm nhường, có lòng khoan dung, độ lượng, thương yêu con người.
Sau khi được nghỉ hưu, Thiếu tướng Trần Văn Giang là một trong những người xây dựng Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh và là Ủy viên Thường vụ-Trưởng Ban Tuyên huấn Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 1997.
Không chỉ là một vị tướng tài ba, ông còn có một tâm hồn thi sĩ bao la, đến nay Thiếu tướng Trần Văn Giang đã xuất bản nhiều cuốn sách, được bạn đọc yêu mến, trong đó có những cuốn sách được tái bản nhiều lần như: “Bác Hồ kể chuyện Tây du ký”. Tập thơ “Con Tằm” (Nhà xuất bản trẻ - 2000), “Nhớ về trận Điện Biên Phủ trên không” (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh - 2002), “Hồi ức về Sư đoàn Phòng không Cận Vệ Đỏ” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2003, tái bản - 2006), “Ký ức ngày xanh” (Nhà xuất bản Trẻ”, “Một thời với biển trời Tổ quốc” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2016). Nhiều bài thơ của Ông được phổ nhạc như “Chim Nhạn”, “Có những tuổi 20 như thế”, “Còn có kiếp sau”, “Mãi còn yêu”… đã được phổ biến rộng rãi và được công chúng đón nhận. Năm 2015, ca khúc “Chim Nhạn” là một trong những tác phẩm nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang về với cõi vĩnh hằng ngày 03-11-2016. Trong điếu văn của ban lễ tang tại lễ truy điệu Chuẩn Đô đốc Trần Văn Giang tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng sáng 5-11, nêu rõ: “Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang là hiện thân của lòng dũng cảm trong chiến dịch Điện Biên Phủ… Thế hệ cán bộ chiến sĩ đời đời nhắc nhớ, Tổ quốc và nhân dân mãi ghi công ông, thế hệ trẻ noi gương đồng chí về tính kiên trung và lòng dũng cảm”. Với mọi người, không thể nào quên đôi câu đối mà bạn bè, đồng đội đã tặng Ông: “Đất Bắc sinh thành người Võ tướng/ Trời Nam an dưỡng khách Văn chương”.
Nhân dân Vĩnh Bảo, các thế hệ người con Vĩnh Bảo hôm nay, dù “ly nông hay ly hương” mãi tự hào về mảnh đất này, con người nơi đây - quê hương Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, đã và sẽ góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp!
(vb, tháng 12-2021, đmp st, bt)
Trong bài có sử dụng tư liệu ảnh và các bài viết đăng trên báo Văn Nghệ, báo Nông nghiệp, báo điện tử Cựu chiến binh VN, báo CAND.