Tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Văn Ngọ - Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Bảo
TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN NGỌ
CHỦ TỊCH ỦỶ BAN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN VĨNH BẢO
|
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (tức Ba Ngọ), sinh năm 1906 tại thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước Sớm giác ngộ cách mạng, ngay từ năm 1925- 1926, khi học tại trường Pháp-Việt (Hải Dương), đồng chí tham gia lễ truy điệu, để tang cụ Phan Châu Trinh, bị đuổi học đồng chí lên Hà Nội học trường Bưởi, tham gia tổ chức “Tâm tâm xã”, làm Bí thư tổ chức này. Đầu năm 1927, đồng chí gia nhập “Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội”, hoạt động cùng các đồng chí ở Kỳ Bộ (Bắc Kỳ). Sau khi bị lộ Nguyễn Văn Ngọ về Vĩnh Bảo xây dựng cơ sở cách mạng,vận động nhân dân, quần chúng ưu tú đấu tranh chống địch. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Tháng 3 năm 1929, được Xứ ủy cử về Thái Bình, đồng chí tham gia Ban Thường vụ tỉnh. Tháng 10 năm 1930, khi tổ chức treo cờ, biểu ngữ trước Nhà hát thị xã Thái Bình phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp với nhân dân Tiền Hải đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù khổ sai, giam tại các nhà tù ở Hải Phòng, Sơn La, Côn Đảo.
|
Năm 1937, sau khi được ân xá Nguyễn Văn Ngọ trở về Hạ Đồng (Cộng Hiền) vừa dưỡng bệnh ông vừa tìm cách liên lạc với các đồng chí Lê Thanh Nghị, Vũ Dương,Trần Kiên, Nguyễn Văn Ước, Trịnh Khắc Dần, Đặng xuân Khu, Phạm Văn Êm ...để gây dựng phong trào đấu tranh cách mạng, mở rộng các cơ sở Việt Minh ở Vĩnh Bảo.
Sau khi sức khỏe hồi phục, đồng chí được điều lên Hà Nội làm phóng viên Báo Thời Nay. Năm 1938, đồng chí gia nhập Mặt trận bình dân chống phát xít, phụ trách giới trí thức và tiểu thương ở Hà Nội. Năm 1942, bị thực dân Pháp bắt lần 2 đày đi Căng Bá Vân (Nghĩa Lộ).
Đầu năm 1945, đồng chí được ra tù về Hải Dương tham gia Ban cán sự tỉnh Hải Dương, được chỉ định về Vĩnh Bảo thành lập Ban cán sự Mặt trận Việt Minh huyện Vĩnh Bảo, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa.
Ngày 20 tháng 8 năm 1945, Vĩnh Bảo giành chính quyền đồng chí được Tỉnh ủy chỉ định làm Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Bảo.
Tháng 1 năm 1946, đồng chí được điều về Khu Tả Ngạn nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Thái Bình. Năm 1951, được Trung Ương điều về Khu ủy Liên Khu III. Tháng 4 năm 1953, làm Giám đốc Sở Tư Pháp Liên khu III.
Năm 1954, do ảnh hưởng của những lần bị kẻ thù tra tấn trong tù, vết thương cũ tái phát, đồng chí được Trung ương cho đi chữa bệnh tại Trung Quốc, song vì bệnh nặng, đồng chí mất ngày 04 tháng 6 năm 1954 tại Bệnh viện Bắc Kinh. Tháng 3 năm 1994, di hài đồng chí được đưa về nước, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Với công lao to lớn của mình, đồng chí đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh.
Trích nguồn tư liệu:
- Từ điển Những nhân vật lịch sử Việt Nam;
- Những nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II, NXB Hải Phòng;