Di sản văn hóa Trạng Trình: Sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn
Di sản văn hóa Trạng Trình: Sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn
BÍ ẨN SẤM KÝ TRẠNG TRÌNH
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là bậc trí giả, vừa là bậc thức giả, kiến thức mênh mông của ông là một kho sách lớn. Học trò của ông đã từng nhận xét: “Sáu bộ thi thư suốt nghĩa, bơi thuyền đến bến thầy Chu. Một kinh Thái Ất thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương tử. Ngang trời dọc đất, cùng lòng Chu tể tâm tư. Suy trước biết sau, học lối Nghiêm Phu môn hộ”.
Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân phải thốt lên: “Ôi! Trong thiên hạ có nhiều vua chúa và người hiền. Những người ấy lúc sống thì vinh, lúc chết thì hết. Nhưng ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đến nay đã được 7, 8 đời, gần thì sĩ phu, dân thường chiêm ngưỡng như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đầu; xa thì sứ nhà Thanh là Chu Xán nói rằng nhân vật Lĩnh Nam, tinh thông lý học có Trình Tuyền, đã viết sách truyền vào Trung Quốc, coi là bậc thánh nhân ở nước Nam vậy”.
Không chỉ có sách vở, xuất xứ của ông cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm là con người thấu hiểu sự đời. Nhiều người cho rằng do thông hiểu lý số, thuộc lòng Thái Ất thần kinh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm biết trước mọi sự. Có lẽ vì thế mà khi nói đến ông, người ta thường nhắc đến những lời sấm ký linh nghiệm. Về phương diện này, Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như là con người có năng lực đặc biệt và trở thành một hiện tượng lạ mà các nhà khoa học chưa giải thích được, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC HỮU
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), húy Văn Đạt, hiệu Bạch Vân và Tuyết Giang Phu Tử, tự là Hạnh Phủ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Để đưa di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành điểm nhấn của du lịch Hải Phòng cũng như của tuyến du lịch quốc gia, ngoài việc lập hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước công nhận Khu di tích tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích quốc gia đặc biệt, công tác quy hoạch, tôn tạo, phục dựng khu di tích phải thể hiện cao nhất tính lịch sử, đảm bảo giá trị di sản văn hóa Trạng Trình và phù hợp với nhu cầu của khách tham quan.
Cộng đồng người Việt trong Nam ngoài Bắc đã biết đến Trạng Trình qua 300 câu Sấm Trạng lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác. Đồng bào miền núi, xưa nay vẫn bảo vệ di tích thành nhà Mạc ở Cao Bằng, muốn được đến thăm quê Trạng. Nhân dân từ Thuận Hóa trở vào, nơi có nhiều trường học, đường phố mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm, muốn được một lần đứng trên đất Trạng. Nhiều người muốn được thắp hương tại ngôi chùa Song Mai bên đền Trạng. Không chỉ người Nam Đàn mà nhân dân cả nước muốn đến tận nơi để hiểu xuất xứ và nghe bình giảng về những lời sấm của Trạng cách đây 4 thế kỷ:
Đã nghe nhiều, đọc nhiều về Trạng, du khách muốn hơn một lần được đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe và có những giây phút thư thái, “cày mây, cuốc nguyệt, gánh yên hà” để tắm mình trong không gian lịch sử mà sinh thời Trạng từng trải.
Du khách muốn thăm lại Quán Trung Tân, muốn đọc bia lớn do người dựng để hiểu về một nhà thơ ưu thời, mẫn thế, lấy chí trung làm chí thiện “Chí thiện tư vi cực”, để cắt nghĩa một đời tài hoa, xuất xử linh hoạt đến kỳ lạ: ở ẩn trước khi làm quan, dù thời cuộc thế nào vẫn khuyên chính trị phải giữ lấy đạo “dân làm gốc”: Yên bách tính thì yên trị đạo - Thất thiên kim chớ thất nhân tâm.
Những di sản văn hóa của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cần được nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc để thành sản phẩm du lịch giá trị, hấp dẫn du khách muôn phương.