image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Khái Hưng - người con văn chương của đất Cổ Am

Khái Hưng - người con văn chương của đất Cổ Am

 Thuở nhỏ, Khái Hưng có tên là Trần Dư (còn gọi là Giư). Sau này, ông tự thêm chữ Khánh làm tên đệm thành Trần Khánh Giư. Bén duyên với văn chương, ông là một trong “bát tú” của “Tự lực văn đoàn”.

Một trong tám ngôi sao sáng

Nhà văn Khái Hưng, một trong 8 ngôi sao sáng của nhóm “Tự lực văn đoàn”, là người nhiều tuổi nhất trong nhóm, cũng là người viết nhiều nhất, xuất bản nhiều sách và cũng hoạt động đa lĩnh vực văn chương thời kỳ ấy. 

 Khái Hưng là con quan Tuần phủ Trần Mỹ, quê ở làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Tuần có 5 người vợ. Bà cả sinh được 3 trai 1 gái. Người con trai đầu Trần Xuân là thương tá nhưng mất sớm nên đôn Khái Hưng lên thành con trưởng trong gia đình, là anh của Trần Tiêu và Trần Thị Ngọc. Sinh năm 1895, thuở nhỏ Khái Hưng tên là Trần Dư (Giư). Chỉ vì thích tính cách của vị tướng đời Trần là Trần Khánh Giư, ông tự thêm chữ Khánh làm đệm thành Trần Khánh Giư. Ông tháo rời các chữ cái trong hai chữ Khánh Giư ra, rồi ghép lại thành bút danh Khái Hưng. 

 Khi còn nhỏ, Khái Hưng học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Tây tại trường Anbe Sarô. Lấy bằng tú tài phần một ban cổ điển, ông về Ninh Giang (Hải Dương) mở đại lý bán dầu hỏa. Đây là phố phủ chứa nhiều hình mẫu số phận con người trong cuốn tiểu thuyết “Thoát ly” nổi tiếng của ông sau này. Sau đó ông ra Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tham gia viết cho tờ “Văn học” của anh em Dương Bá Trạc và Dương Tụ Quán. Trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Nhất Linh để ý tới một bài khảo luận ngắn trên báo “Văn học”, ký tên Bán Than. Sau biết bài ký đó là của Khái Hưng, lại thấy Khái Hưng có những khả năng hiếm có về văn chương, bèn kết bạn và mau chóng trở thành một cặp tác giả nổi tiếng thời kỳ ấy.

 Văn chương hiện đại song vẫn truyền thống trữ tình

 Văn chương của Khái Hưng có hai phần: Văn học cổ điển và văn học Âu châu cấp tiến. Văn ông mới mẻ song vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông trữ tình lãng mạn. Nói như Vũ Ngọc Phan, Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam, cũng như Alfed de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa. Văn chương Khái Hưng chủ yếu là tiểu thuyết, trong đó tình yêu là đề tài chính. Hầu như tác phẩm của ông cũng tập trung đề cao tình yêu tự do, chống lễ giáo phong kiến và một phần cải cách xã hội.

 Các tác phẩm của Khái Hưng được viết bằng kỹ thuật tinh xảo, bố cục truyện giản dị khéo léo nên thường hấp dẫn người đọc. Tình tiết truyện thưa ít, động tác nhân vật ngắn gọn. Nhân vật trong truyện thường có tác phong cử chỉ thanh thoát, lời nói hóm hỉnh duyên dáng, hoa lệ của tầng lớp trí thức. Ông không tả nhân vật tâm trạng căng cứng tàn ác, đen tối,  hay tả nỗi niềm bâng khuâng êm dịu thầm kín... Văn ông có chất thơ, giàu trí tưởng tượng, có hình ảnh nhạc điệu, hợp với truyện tâm lý.

Trong các tác phẩm của ông để lại thể hiện bút pháp quan sát tinh tế và tài tình. Ông thường dùng ngôn ngữ giản dị trong sáng ghi lại mọi câu chuyện mà ông khai thác, giúp người đọc tự mình cảm nhận chứ không gò ý của người viết vào cốt truyện. Vì thế, văn của Khái Hưng khoáng đạt, nhẹ nhàng. Đặc biệt hơn, mọi góc cạnh cuộc đời, mọi tình huống đời sống đều được ông đưa vào tác phẩm của mình. “Hồn bướm mơ tiên” là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu của “Tự lực văn đoàn”. Câu chuyện tình xảy ra ở chốn chùa chiền cuốn hút thanh niên vào tình ái lý tưởng, với đủ tâm trạng, cung bậc. “Nửa chừng xuân” là chuyện về con người và gia đình bị kẹp vào luân lý, lễ giáo, nên tình yêu giữa Lộc và Mai phải lìa nhau. “Gánh hàng hoa” là tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp ngây thơ, hết lòng yêu chồng của cô gái quê trẻ đẹp tên Liên nhưng lại chịu nhiều bất hạnh. “Đời mưa gió” lại là một câu chuyện tình rùng rợn giữa anh giáo Chương và cô gái giang hồ tên Tuyết. “Trống mái” kể chuyện yêu đương giữa Hiền cô gái Hà thành và chàng Vọi thanh niên ngư dân...

 Nhìn lại những trang tư liệu cuộc đời của người con đất Cổ Am xưa, càng thấy tự hào hơn về vùng đất học Vĩnh Bảo– vùng đất thiêng với vì sao sáng nhất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với những tác phẩm văn học để lại cho đời, Khái Hưng - người con văn chương của vùng đất này là niềm tự hào của văn chương đất Cảng cũng như cả nước.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0