Không chỉ là một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, tác gia, nhà sử học, nhà ngoại giao nổi tiếng của thế kỷ XVII, vị đại danh y Đào Công Chính còn được hậu thế suy tôn là ông tổ của thuật dưỡng sinh Việt Nam, sáng ngang với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Vị danh y đa tài
Theo tài liệu Hán Nôm được lưu trữ tại nhà thờ họ Đào, đại danh y Đào Công Chính vốn tên khai sinh là Đào Dĩnh Đạt, húy Trứ, thụy là Hoằng Nghị, sinh năm 1639, người làng Hội Am hay còn có tên làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương xưa (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Nơi đây được xem như là vùng đất nhân tài hào kiệt, có Phạm Đức Khản đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp khoa thi năm Mậu Thìn (1448), là vị tiến sĩ đầu tiên của Hải Phòng
Theo gia phả ngành họ Đào thôn Lang Viên, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vẫn còn lưu lại thì tiên tổ của Đào Công Chính có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học Quốc Tử Giám vào đời nhà Hậu Lê, đời Mạc. Ông nội của đại danh y Đào Công Chính là Đào tướng công húy Cương tự Trực Tiết thụy Cối Kê tiên sinh được triều đình nhà Mạc phong tước Vĩnh Nhân công, từng mở trường dạy học trong vùng. Thân sinh của ông là Đào tướng công hiệu Nhã Hành làm quan Tri phủ, phủ Nam Sách, Hải Dương; thân mẫu là Nguyễn Thị hiệu Diệu Tín. Chính vì xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời, được thừa hưởng nền giáo dục tốt nên ngay từ khi còn nhỏ, Đào Công Chính đã nổi tiếng là thông minh ham học trong vùng và được xem là bậc anh tài; đến năm 13 tuổi, ông đi thi Hương và đậu Hương cống (cử nhân)
Dưới thời vua Lê Thần tông, năm 23 tuổi, ông đậu Bảng nhãn (tiến sĩ) và được bổ nhiệm làm Thị thư hàn lâm viện. Năm 1673, Đào Công Chính được triều đình cử làm phó sứ đoàn Hộ sĩ dương sang Trung Quốc. Đến năm 1675, khi trở về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ nên ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang, nhập thị kinh diên giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi lần lượt thăng tiến Tăng tả thị lang, Quang tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng (tương đương chức Phó thủ tướng Chính phủ hiện nay). Chính nhờ vào sự tận tâm, cống hiến của mình, chỉ trong vòng 15 năm (1661 - 1676) từ Thị thư hàn lâm viện, ông đã được bổ nhiệm lên chức Phủ doãn phụng thiên (người đứng đầu kinh đô Thăng Long).
Không chỉ là một nhà chính trị, ngoại giao, Đào Công Chính còn là tác gia, nhà sử học quan trọng của thế kỷ XVII. Khi còn là thị thư hàn lâm viện, ông là đồng tác giả tham gia biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (năm 1665). Trong vòng 2 năm (1675-1676), khi nhập thị kinh diên, ông cũng làm sử quan tổng tài (chủ biên) biên tập 2 bộ quốc sử nổi tiếng là: “Trùng san Lam Sơn thực lục” và “Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục”. Trong số các tác phẩm của ông, tiêu biểu nhất là cuốn “Bảo sinh diên thọ toản yếu” gồm 5 quyển được coi là cuốn sách về y lý sớm nhất nước ta bàn về phép vệ sinh, dưỡng sinh để sống khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Để lại cho hậu thế phương pháp dưỡng sinh độc đáo
Năm 1676, theo chỉ dụ của vua Lê Hiển Tông, Đào Công Chính biên soạn sách “Bảo sinh Diên thọ toản yếu”. Nội dung sách viết về lý luận lẫn thực tiễn phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ, tắm giặt, nghỉ ngơi và sinh hoạt tình dục trong bốn mùa... dành cho vua, quan. Sau khi hoàn thành, vua Lê và chúa Trịnh đánh giá rất cao bộ sách và cho in số lượng lớn nên nhiều nơi còn lưu giữ được. Sau này, bộ sách được Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng dịch ra chữ quốc ngữ và nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam phát hành vào năm 2007.
Theo nhiều chuyên gia y học đánh giá, cuốn sách Bảo sinh diên thọ là một trong những cuốn sách quý của nền đông y Việt Nam, mang giá trị giáo dục cách phòng bệnh, chữa bệnh khoa học, ít tốn kém, rất gần với phương pháp dưỡng sinh mà nhiều người đang theo đuổi. Trong cuốn sách không chỉ thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của tác giả về nền y học phương Đông mà còn chứa đựng cả thuyết Âm dương ngũ hành, tạng tượng và thuyết vận khí. Chính vì vậy, Đào Công Chính được coi là ông tổ dưỡng sinh học đầu tiên của Việt Nam, hậu thế suy tôn là một trong ba đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: "Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính".
Nhằm tưởng nhớ đến những đóng góp và công lao to lớn của đại danh y Đào Công Chính, sáng ngày 25/4, UBND xã Cao Minh đã tổ chức lễ kỷ niệm 315 năm ngày mất của ông tại Đền thờ ông. Trong khuôn khổ chương trình, ngoài những nghi lễ truyền thống bao gồm lễ rước, lễ dâng hương, lễ dâng thuốc còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao:giao lưu các câu lạc bộ dưỡng sinh, các trò chơi dân gian, giải bóng chuyền hơi; giới thiệu, trưng bày các sản phẩm dược liệu y học cổ truyền đạt chứng nhận OCOP…
Hồng Ngọc
ảnh:
- Đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của Đại danh y

- Lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo dâng hương tưởng nhớ Đại danh y

- Tham quan gian trưng bày sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm OCOP huyện Vĩnh Bảo


