ĐÌNH CUNG CHÚC
“Tiếng Đình Cung Chúc quả không sai
Kiến trúc kỳ công đủ vẻ tài,
Mười sáu lỗ đục qua cột cái
Lưu truyền để lại một không hai”
Câu thơ lưu truyền trong dân gian ca ngợi ngôi đình Cung Chúc xã Trung Lập quả không quá chút nào bởi vẻ độc đáo, nổi tiếng cả vùng về kiểu dáng, đặc biệt là kết cấu sườn gỗ. Toàn bộ cột, xà, dầm được liên kết với nhau chỉ bằng mười sáu lỗ đục. Đình được xây dựng từ thời Lê, thờ 4 vị Thành Hoàng: Thuần Chính, Thanh Tĩnh Long Cung, Quý Minh, Hải Khẩu Đài Bàng, là các vị thần có công với dân, với nước.
Ngôi đình cũ với kiến trúc kiểu tứ diện đồng tứ, bốn hướng đều thấy năm gian. Mỗi hạng mục công trình có một kiểu kiến trúc riêng, tạo nên sự liên hoàn, khép kín và bề thế. Đình làm hoàn toàn bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường-giá chiêng. Tất cả chỉ có 16 lỗ đục nhưng với kiểu khớp mộng và giải pháp kỹ thuật liên kết dọc, ngang tạo cho ngôi đình đẹp ngoạn mục. Là một trong số rất ít các di tích được nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX.
Trong đình còn hai bia đá niên đại Cảnh Trị thất niên (1669), Cảnh Hưng thứ 37 (1776) và 18 sắc phong. Sắc xa nhất vào năm 1844.
Hội đình tổ chức vào ngày 12 tháng 12 (âm lịch). Có các trò chơi dân gian như múa rối nước, đánh pháo đất... Do thời gian và chiến tranh, đình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, năm 2010 nhà nước đã đầu tư trên 23 tỷ đồng phục dựng toà đại bái, hậu cung và tả-hữu mạc, nhà khách, làm lại cổng chính, bình phong, miếu thờ ông Ba mươi, tôn tạo sân đình, đường nội bộ, tường bao, kè hồ nước trước đình tạo cho di tích thêm khang trang, sầm uất, nhằm bảo tồn lâu dài di sản văn hoá quý giá của dân tộc.
Với những giá trị đặc sắc và nổi bật của mình, đình Cung Chúc đã trở thành một điểm di tích, một địa chỉ hấp dẫn khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần tạo nên thế mạnh cho ngành du lịch của huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng.