Đình Phần xã Cổ Am- Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phần, công trình nghệ thuật độc đáo có niên đại trên 100 năm, hiện ở thôn Thuận Hoà, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo. Đình được khởi dụng vào thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 26 (1873) và được trùng tu vào năm 1926. Nơi đây thờ vị Khổng Hoàng Đại Vương, một công thần triều Lý (1010-1225), có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương. Ông có tên thật là Khổng Quan, người làng Cổ Am, vị quan thanh liêm, có tài trù tính nhiều việc có lợi cho dân, nhất là trong lĩnh vực nông điền. Ông là người nhân đức, khi dân làng gặp nạn đói đã mang tài sản tư gia để cứu giúp dân lành; đồng thời có công khai thông, trị thuỷ quanh vùng sông Hoá, đưa nước tưới tiêu cho mùa màng được màu mỡ, tốt tươi. Biết ơn ông, nhân dân xã Cổ Am lập đền thờ và tôn là Thành Hoàng làng Phần.
Theo sử sách, đình Phần còn có tên gọi là Chính Phần. Nguyên trước kia, đình nằm trên đất thôn Chính Phần. Khi Chính Phần tách thành thôn Phần và thôn Hà thì đình Phần thờ vị Khổng Hoàng Đại Vương. Từ đó đến nay, tên gọi đình Phần vẫn là tên chính thức được nhân dân gọi và được chính quyền sử dụng trong các giấy tờ hành chính. Lễ hội đình Phần xưa mở từ ngày 10 đến 16 tháng 2 âm lịch. Dân gian gọi là ngày hội vào đám với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ như hát cô đầu, đi cầu treo, bịt mắt bắt vịt, chơi cờ người…thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần toạ lạc trên thế đất cao rộng hơn 1000m2 ở thôn Thuận Hoà, với thế đất đắc địa “Minh đường, hậu chẩm”, tụ thuỷ, tụ phúc của vùng. Ấn tượng nhất trong kiến trúc đình Phần là sự liên kết giữa các toà được sắp xếp liên hoàn theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” tạo cho đình quy mô bề thế, không gian liên hoàn, thoáng đãng. Điều đặc biệt của ngôi đình, tại trước toà tiền bái dựng một lầu có kiến trúc kiểu phương đình bằng chất liệu vữa vôi xây gạch chỉ, mái chồng diêm: 2 tầng 8 mái, phía trên có các đầu đao cong trang trí hình chim phượng múa mềm mại. Ở phần cao nhất và trung tâm của lầu là hình mặt trời, hào quang lan toả. Phần chồng diêm có đắp phù điêu nổi hình một lư hương và hai bầu rượu hai bên, bằng chất liệu gốm sứ men lam sáng lấp lánh. Trung tâm cửa vào gian tiền bái có bức đại tự chữ Hán gắn gốm màu lam: “Vạn cổ thiên khí tượng” tức là khí tốt từ ngàn xưa; tiền bái gồm hai toà nhà liên tiếp, xây kiểu tường hồi bịt đốc, mỗi toà 5 gian với 22 hàng chân cột. Đây là nơi thực hiện các nghi lễ tế trong ngày đại lễ của làng. Tiếp đến là hậu cung gồm 3 gian được thiết kế với kiến trúc độc đáo, nơi an toạ của đức Thành hoàng Khổng Hoàng Đại Vương.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn kế thừa những giá trị kiến trúc cổ truyền thống vùng Bắc Bộ, pha trộn nhiều nét kiến trúc Trung và Nam Bộ thể hiện qua bố cục “trùng thiềm điệp ốc”với toà ngang, dãy dọc liên hoàn. Phần con sơn đỡ mái, sử dụng gốm men lam được gắn kết với các loại vật liệu chính là hệ thống gỗ lim kiểu chồng rường, giá chiêng, con bẩy. Các nghệ nhân dân gian tinh tế sử dụng vôi với mật ong và bột giấy để tạo nên loại vật liệu gắn kết các mảnh gốm, trang trí câu đối, đại tự, phù điêu. So với những di tích khác trong vùng, hiện di tích kiến trúc đình Phần lưu giữ được nguyên vẹn một số kiến trúc nguyên bản thời khởi dựng như 2 toà tiền bái, đại bái, hậu cung, tả vu, hữu vu, cùng một số di vật cổ thời Nguyễn như tượng, sắc phong, chấp kích, long ngai, khám thờ, nhang án, kiệu bát cống, lư hương…
Di tích kiến trúc đình Phần – công trình văn hoá tâm linh gắn liền với quá trình hình thành phát triển của một vùng quê văn hiến, với kiến trúc nghệ thuật độc đáo tiêu biểu khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ngôi đình đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 07 tháng 02 năm 2013.